Nếu bạn đã từng để ý đến việc xuất bản các bài báo khoa học thì chắc hẳn bạn có nghe nói về “danh mục SCI, SSCI, …”. Thậm chí một số người, hoặc một số cơ quan lấy những cái đó để làm chuẩn … Trước đây, tôi nghe đồng nghiệp nói rất nhiều về những cái này. Tôi chẳng hiểu chúng là cái gì. Vì khi đó tôi chưa thực sự quan tâm đến chúng.
Nói chuyện với các bạn tôi đã từng đăng bài báo ở các tạp chí tốt, tôi rất bất ngờ vì nhiều người trong số họ chẳng biết và cũng chẳng quan tâm đến SCI.
Vậy SCI, SSCI, … là gì ? Tôi tìm hiểu xem chúng là gì và viết bài viết này (còn rất sơ sài) theo những gì tôi tìm hiểu được. Mọi người có thể tham khảo, tuy nhiên đây là hiểu biết cá nhân nên có thể có những cái chưa chuẩn. Hy vọng ai biết rõ hơn thì góp ý.
1. SCI, SSCI, SCIE, ISI, … là gì ?
– SCI (Science Citation Index) là một loại danh mục trích dẫn của các tạp chí khoa học trên nhiều lĩnh vực được đưa ra lần đầu tiên năm 1960 bởi ISI (Institute for Scientific Information) bây giờ thuộc Thomson Reuters. SCIE (Science Citation Index Expanded) là phiên bản mở rộng của SCI bao gồm hơn 6500 tạp chí thuộc khoảng 150 chuyên ngành.
– Hoàn toàn tương tự vậy chúng ta có các danh mục SSCI (Social Sciences Citation Index) dành cho các tạp chí khoa học xã hội; AHCI (Arts and Humanities Citation Index).
2. Danh mục SCI, SSCI, … là sao ?
– Như vậy, SCI, SCIE, SSCI, …. chỉ là một danh mục để tham khảo. Trong danh sách hàng nghìn tạp chí được ISI đưa vào SCI thì có bao gồm cả những tạp chí có chất lượng tốt và cả những tạp chí ít có giá trị về mặt khoa học.
– Tại sao các tạp chí kém chất lượng lại vẫn được ISI đưa vào SCI ? Cái này thì chắc là có nhiều nguyên nhân.
3. Đánh giá một tạp chí :
– Hiện nay, SCI, SCIE chỉ là một trong số những chỉ số của các tạp chí; khi đánh giá chất lượng khoa học của một tạp chí, chúng ta cần dựa vào nhiều chỉ số khác. Hiện nay, chúng ta có nhiều chỉ số khác để đánh giá các tạp chí và các nhà khoa học : Impact factor, H-index, G-index, …
– Tất cả các chỉ số đó chỉ là để tham khảo, không hoàn toàn đánh giá được chính xác chất lượng của các tạp chí cũng như các tác giả. Các tạp chí có chất lượng cao hay thấp thì chỉ có những nhà khoa học ở trình độ cao mới biết rõ được.
– Hội đồng nghiên cứu khoa học của Chính phủ Australia có đưa ra bản đánh giá chất lượng các tạp chí khoa học (tất cả các ngành) trên thế giới (tôi biết nhiều người làm toán sử dụng danh sách này, xem bên dưới) trong đó họ xếp hạng các tạp chí theo các cấp độ từ cao trở xuống : A+, A, B, C. Bạn có thể tìm hiểu cụ thể ở đây.
4. Chỉ số khác :
– các bạn có thể vào trang wikipedia.org (phiên bản tiếng anh) để xem thông tin cụ thể của các chỉ số : Impact factor, G-Index, H-Index. Đây là các chỉ số được sử dụng nhiều để đánh giá chất lượng của các tạp chí. Trên wikipedia có nói rõ cách tính như thế nào các chỉ số đó. Nhìn vào cách tính, bạn sẽ hiểu được phần nào về chúng.
– Ví dụ : chỉ số Impact factor của năm X của một tạp chí được tính bằng tỷ số giữa (số lần trích dẫn trong nãm X của các bài của tạp chí đó đăng trogn hai năm trước đó) và (tổng số bài đăng của tạp chí đó trong hai năm trước đó)
Impact factor năm 2012 = A/B
trong đó: B = tổng số bài đăng của hai năm 2011 và 2010
A = Số lần trích đẫn trong năm 2012 của các bài đăng trong hai năm 2011 và 2010.
5. Các tạp chí Toán học :
– Trong phần này, tôi muốn viết riêng về các tạp chí Toán học. Những gì tôi đã nghe và đã thấy.
– Lần đầu tiên tôi biết (khi đó tôi còn là SV) một số người làm toán ở nước ta khi đăng bài phải trả tiền cho tạp chí (có nhiều tạp chí trogn danh mục SCI). Tôi thấy rất vô lý. Bình thường viết báo là được nhuận bút, vậy mà đây viết báo, thậm chí phải đầu tư nhiều công sức, lại phải bỏ tiền ra để được đăng bài. Sau đó tôi thấy chuyện đó khá phổ biến nên tôi nghĩ chắc là với các tạp chí khoa học thì như vậy. Tuy nhiên, dù sao thì tôi cũng thấy có vấn đề …
– Như đã nói ở trên, chúng ta có nhiều chỉ số được tính toán cụ thể để tham khảo.
– Danh sách xếp hạng của Australia về các tạp chí toán lý thuyết ở đây. Trong danh sách này, các tạp chí từ hạng cao (hạng A+) đến hạng thấp nhất (hạng C) cũng không thu lệ phí khi bạn được đăng bài.
Kết bài :
– Trên đây là một số cái tôi tìm hiểu được. Tôi muốn chia sẻ để mọi người cùng biết. Chắc hẳn có nhiều điều tôi chưa biết hoặc chưa hiểu rõ (thực tế là tôi cũng chưa thực sự tìm hiểu kỹ). Mọi người hãy góp ý thêm nhé.
– Nên chăng Bộ Khoa học, các Hội khoa học của Việt Nam đưa ra danh sách đánh giá cụ thể về vấn đề này để công tác nghiên cứu ở nước ta được tốt hơn, rõ ràng hơn ?
Nguồn tham khảo : wikipedia.org; thomsonreuters.com; www.austms.org.au; www.arc.gov.au
Bài viết của GS Phùng Hồ Hải (Viện toán học) về các chỉ số trên được post trên một blog:
http://blogbannenbiet.blogspot.com/2015/01/tim-hieu-ve-isi-sci-scie-impact-factor.html